Tranh cãi lịch sử và trách nhiệm của nước Pháp: "Hội chứng Vichy" Chính_phủ_Vichy

Cho tới thời kỳ tổng thống của Jacques Chirac, quan điểm chính thức của chính phủ Pháp là chính quyền Vichy là một chính phủ bất hợp pháp khác biệt với nhà nước Cộng hòa Pháp, được thành lập bởi những kẻ phản bội dưới sự ảnh hưởng của nước ngoài. Quả thực, chính quyền Vichy Pháp tránh cái tên chính thức Pháp ("Cộng hòa Pháp") và tự gọi mình là "Nhà nước Pháp", thay thế khẩu hiệu Cộng hòa Tự do, Bình đẳng, Bác ái, thừa kế từ cuộc Cách mạng Pháp năm 1789, bằng khẩu hiệu Cần lao, Gia đình, Tổ quốc.

Tuy cách hành xử tội phạm của nước Pháp Vichy luôn được thừa nhận, quan điểm này bác bỏ bất kỳ trách nhiệm nào của nhà nước Pháp, cho rằng những hành động phạm phải trong thời gian 1940 và 1944 là những hành động vi hiến và không có tính pháp lý.[74] Người đề xuất chính của quan điểm này chính là Charles de Gaulle, ông nhấn mạnh, và các nhà sử học sau đó cũng hành động tương tự, vào những điều kiện không rõ ràng của cuộc bỏ phiếu tháng 6 năm 1940 trao toàn quyền cho Pétain, cuộc bỏ phiếu này đã bị nhóm thiểu số Vichy 80 từ chối. Đặc biệt, các biện pháp cưỡng bức của Pierre Laval đã bị những nhà sử học này lên án, và vì thế, họ coi cuộc bỏ phiếu là vi hiến (Xem tiểu đoạn: Các điều kiện của hiệp ước đình chiến và cuộc bỏ phiếu trao toàn quyền ngày 10 tháng 7 năm 1940).

Tuy nhiên, ngày 16 tháng 7 năm 1995, tổng thống Jacques Chirac, trong một bài phát biểu, đã thừa nhận trách nhiệm của nước Pháp trong việc ủng hộ "tội ác điên rồ của đất nước bị chiếm đóng", đặc biệt là sự hỗ trợ của cảnh sát Pháp, dưới sự lãnh đạo của René Bousquet, giúp đỡ Phát xít trong việc thực thi cái gọi là Giải pháp cuối cùng. Cuộc vây bắt Vel' d'Hiv tháng 7 năm 1942 là một ví dụ cụ thể về việc cảnh sát Pháp đã thực hiện công việc của Phát xít như thế nào, thậm chí còn đi xa hơn những mệnh lệnh quân sự yêu cầu (bằng cách gửi trẻ em tới trại giam giữ Drancy, điểm dừng chân cuối cùng trước khi tới những trại tiêu diệt).[75]

Như nhà sử học Henry Rousso đã đề cập trong Hội chứng Vichy (1987), Vichy và sự hợp tác nhà nước của Pháp vẫn là một "quá khứ chưa qua." Những tranh cãi lịch sử ngày nay vẫn sôi nổi, với những quan điểm trái ngược về bản chất và tính pháp lý của chủ nghĩa hợp tác của chính quyền Vichy với Đức trong việc thực hiện cuộc diệt chủng. Ba giai đoạn chính đã được phân biệt trong lịch sử chế độ Vichy: giai đoạn một là giai đoạn Gaullist, với mục tiêu hòa giải quốc gia và thống nhất dưới thời Charles de Gaulle, người tự cho mình ở trên các đảng chính trị và những sự chia rẽ; tiếp theo là thập niên 1960, với bộ phim The Sorrow and the Pity (1971) của Marcel Ophüls; cuối cùng là thập niên 1990, với phiên tòa xử Maurice Papon, quan chức dân sự tại Bordeaux chịu trách nhiệm về "Các vấn đề Do Thái" trong chiến tranh, ông này đã bị kết án sau một phiên tòa rất dài (1981–1998) vì những tội ác chống lại loài người. Phiên tòa xử Papon không chỉ liên quan tới một cá nhân, mà cả trách nhiệm của bộ máy hành chính Pháp trong việc trục xuất người Do Thái. Hơn nữa, sự nghiệp của ông ta sau chiến tranh, khiến ông trở thành một cảnh sát trưởng Paris thành công trong thời Chiến tranh Algeria (1954–1962) và sau đó là thủ quỹ của đảng Gaullist UDR từ năm 1968 tới năm 1971, và cuối cùng là Bộ trưởng Ngân sách thời tổng thống Valéry Giscard d'Estaing và thủ tướng Raymond Barre từ năm 1978 tới năm 1981, là một triệu chứng cho thấy sự hồi phục nhanh của những người cộng tác sau chiến tranh. Những chỉ trích còn cho rằng, sự hồi phục nhanh này còn liên quan tới nhiều nhân vật khác (dù họ không giữ những vai trò quan trọng như vậy), thể hiện chứng mau lãng quên của nước Pháp, trong khi những người khác chỉ ra rằng cách nhận thức về chiến tranh và sự hợp tác nhà nước đã có sự thay đổi theo thời gian. Sự nghiệp của Papon được coi là có nhiều scandal bởi ông ta từng chịu trách nhiệm, khi giữ chức cảnh sát trưởng Paris, về vụ thảm sát Paris năm 1961 của những người Algeria trong chiến tranh, và đã buộc phải từ chức sau khi lãnh đạo chống thực dân người Marốc Mehdi Ben Barka "biến mất, tại Paris năm 1965.

Tuy một điều chắc chắn là chính phủ Vichy có một lượng lớn quan chức cao cấp hợp tác với các chính sách diệt chủng Phát xít, mức độ hợp tác chính xác vẫn đang bị tranh cãi. So với các cộng đồng Do Thái được thành lập tại các quốc gia khác bị Đức xâm lược, người Do Thái Pháp phải chịu một tỷ lệ thiệt hại thấp hơn (xem đoạn về con số nạn nhân Do Thái ở trên); dù, bắt đầu từ năm 1942, sự đàn áp và trục xuất đã tác động tới người Do Thái Pháp và người Do Thái nước ngoài.[20] Các cựu quan chức chính phủ Vichy sau này tuyên bố rằng họ đã làm hết mức có thể để giảm thiểu tác động của các chính sách của Phát xít, dù những nhà sử học chính thống của Pháp cho rằng chế độ Vichy đã hành động vượt quá mong đợi của Phát xít.

Tờ báo cấp tỉnh Nice Matin ngày 28 tháng 2 năm 2007 tiết lộ rằng hơn 1,000 tài sản công quản tại Côte d'Azur, từ thời Vichy "có hiệu lực", hay ít nhất vẫn tồn tại trên giấy tờ. Ví dụ, một trong những quyết định đó, viết:

Các nhà thầu sẽ thực hiện những tuyên bố sau: họ mang quốc tịch Pháp, không phải người Do Thái, không kết hôn với người Do Thái theo các nghĩa của luật pháp và nghị định đang có hiệu lực [dưới chế độ Vichy, NDLR]

Chủ tịch CRIF-Côte d'Azur, một hội nhóm Do Thái, đã ra một lên án mạnh mẽ gọi nó là "sự khiếp hãi cùng cực" khi một trong những cư dân của một chế độ công quản đó gọi nó là một "sự sai lầm" mà "không có hậu quả."[76] Những cư dân người Do Thái có thể và muốn sống tại các tòa nhà, và giải thích điều này nhà báo của tờ Nice Matin đã phòng đoán rằng một số người chủ đã không đọc chi tiết các hợp đồng công quản, trong khi những người khác cho rằng các quy định đã lỗi thời.[77] Một lý do cho việc các quy định lỗi thời là bất kỳ một cơ sở công quản có sự phân biệt sắc tộc hay quy định địa phương khác có thể đã tồn tại "trên giấy tờ", thời kỳ Vichy hay thời điểm khác, đã bị mất hiệu lực theo hiến pháp của Đệ Tứ Cộng hòa Pháp (1946) và Đệ Ngũ Cộng hòa Pháp (1958) và không thể được áp dụng theo luật chống phân biệt đối xử của Pháp. Vì thế, thậm chí những người sở hữu hay đồng sở hữu đã ký hay đồng ý với những quy định này sau năm 1946, bất kỳ một thỏa thuận nào như vậy sẽ không có hiệu lực và vô nghĩa (caduque) theo luật pháp Pháp. Việc viết lại hay loại bỏ các quy định lỗi thời đáng nhẽ đã phải được thực hiện bằng chi phí của người ở, gồm cả phí công chứng 900 tới 7000 EUR cho mỗi tòa nhà.[77]

Tranh cãi "Kiếm và khiên"

Ngày nay, một số người ủng hộ chế độ Vichy tiếp tục viện dẫn lý lẽ chính thức do Pétain và Laval đưa ra: sự hợp tác nhà nước là để bảo vệ dân chúng Pháp khỏi những gian khổ của sự Chiếm đóng. Sau chiến tranh, những người hợp tác và "pétainistes" (người ủng hộ Pétain) cũ cho rằng tuy Charles de Gaulle đã đại diện cho "thanh kiếm" của nước Pháp, Pétain đã là "chiếc khiên" bảo vệ nước Pháp.

"Người Do Thái Pháp và người Do Thái nước ngoài ": sự thực hay huyền thoại?

Dù tuyên bố này bị phần còn lại của người dân Pháp và chính nước Pháp phản đối, một huyền thoại khác vẫn được lưu truyền rộng rãi hơn. Huyền thoại này đề cập tới cái gọi là sự "bảo vệ" của nước Pháp Vichy với người Do Thái bằng cách "chấp nhận" hợp tác trong việc trục xuất—và, trên hết, trong việc kết liễu- người Do Thái nước ngoài.

Tuy nhiên, lý lẽ này đã bị nhiều nhà sử học là chuyên gia về chủ đề bác bỏ, trong số đó có nhà sử học Mỹ Robert Paxton, người được công nhận rộng rãi và vì có nguồn gốc nước ngoài nên có một góc nhìn rộng và khách quan hơn về vấn đề, và nhà sử học của cảnh sát Pháp Maurice Rajsfus. Cả hai đều được mời làm chuyên gia trong vụ xét xử Papon hồi những năm 1990.

Vì thế, Robert Paxton đã tuyên bố trước tòa ngày 31 tháng 10 năm 1997, rằng "Vichy đã đưa ra những sáng kiến... Hiệp định ngừng chiến giữ lại một khoảng không gian tự do."[78] Từ đó về sau, chế độ Vichy tự quyết định, về vấn đề trong nước, để thực hiện "Cách mạng Quốc gia" ("Révolution nationale"). Sau khi đã giao cái gọi là những trách nhiệm của sự thất bại ("dân chủ, chế độ đại nghị, chủ nghĩa thế giới, cánh tả, người Do Thái...") Vichy đặt ra, ngay từ ngày 3 tháng 10 năm 1940, "Quy chế về người Do Thái" đầu tiên. Từ đó, người Do Thái bị coi là "các công dân vùng hai[78] ".

Trên bình diện quốc tế, Pháp "tin rằng cuộc chiến tranh sẽ chấm dứt". Vì thế, ngay từ tháng 7 năm 1940, Vichy đã thực hiện các cuộc đàm phán với chính quyền Đức trong một nỗ lực nhằm giành lại một vị thế cho Pháp bên trong "Trật tự Mới" của Đế chế thứ Ba. Nhưng "Hitler không bao giờ quên thất bại năm 1918. Ông ta luôn nói không." Tham vọng của chính quyền Vichy thất bại ngay từ đầu.[78]

Rober Paxton nói "Chủ nghĩa chống bài Do Thái luôn là một chủ đề". Thậm chí ban đầu họ còn chống lại các kế hoạch của người Đức. "Ở giai đoạn này Phát xít vẫn chưa quyết định tiêu diệt người Do Thái, mà là trục xuất họ. Ý tưởng của họ không phải là biến Pháp trở thành một quốc gia bài Do Thái. Trái lại, họ muốn gửi tới Pháp những người Do Thái bị trục xuất" khỏi Đế chế thứ Ba.[78]

Sự xoay chuyển của lịch sử diễn ra năm 1941–1942, với sự thất bại sắp tới của Đức tại Mặt trận phía Đông. Cuộc chiến trở thành chiến tranh "tổng lực", và vào tháng 8 năm 1941, Hitler đã quyết định "tiêu diệt toàn bộ người Do Thái ở châu Âu." Chính sách mới này được chính thức hình thành tại Hội nghị Wannsee tháng 1 năm 1942, và được áp dụng tại mọi quốc gia châu Âu bị chiếm đóng ngay từ mùa xuân [khi nào?] năm 1942. Nước Pháp, vốn tự cho mình là một quốc gia vẫn còn độc lập (trái với các quốc gia bị chiếm đóng) "đã quyết định hợp tác. Đây là Vichy thứ hai."[78] Chuyến tàu đầu tiên chở những người bị trục xuất rời Drancy ngày 27 tháng 3 năm 1942, tới Ba Lan – chuyến đầu tiên trong rất nhiều những chuyến tàu sau đó.

"Phát xít cần bộ máy hành chính Pháp... Họ luôn phàn nàn về việc thiếu nhân lực." Paxton nhớ lại,[78] một điều mà Maurice Rajsfus luôn nhấn mạnh. Dù nhà sử học người Mỹ công nhận trong phiên tòa rằng "cách hành xử dân sự của một số cá nhân " đã cho phép nhiều người Do Thái trốn thoát khỏi bị trục xuất, ông phát biểu:

Chính nhà nước Pháp đã tham gia vào chính sách tiêu diệt người Do Thái... Làm sao một người có thể dự định làm điều ngược lại khi những phương tiện kỹ thuật và hành chính đó đã được đưa ra cho mục đích đó?[78]

Đề cập tới vấn đề cảnh sát Pháp tiến hành đăng ký cho người Do Thái, cũng như quyết định của Laval, được đưa ra tháng 8 năm 1942 một cách hoàn toàn độc lập, trục xuất cả trẻ em cùng cha mẹ, Paxton thêm:

Trái với những ý nghĩ trước kia, chính quyền Vichy đã không hy sinh những người Do Thái nước ngoài với hy vọng bảo vệ người Do Thái Pháp. Ở trên đỉnh bộ máy cầm quyền, họ biết, ngay từ đầu, rằng việc trục xuất những người Do Thái cuối cùng này là không thể tránh khỏi.[78]

Dù có sự xác nhận của Paxton về việc chính quyền Vichy biết "ngay từ đầu", những vụ trục xuất từ Pháp mãi tới mùa hè năm 1942 mới bắt đầu, nhiều tháng sau khi hành động trục xuất hàng loạt từ các quốc gia khác đã được tiến hành. Một phần dân chúng bị giữ tại Trại tập trung Dachau, đã được mở cửa từ năm 1933, là người Do Thái, và những trại giết người chính ở Ba Lan và Đức được mở cửa năm 1941 và đầu năm 1942.

Sau đó Paxton đề cập tới trường hợp Italia, nơi việc trục xuất người Do Thái chỉ bắt đầu sau khi bị Đức chiếm đóng – Italia đầu hàng Đồng minh vào giữa năm 1943 nhưng sau đó bị Đức xâm lược và những trận đánh tiếp diễn cho tới năm 1944. Đặc biệt, tại Nice, "người Italia đã bảo vệ người Do Thái. Và chính quyền Pháp đã phàn nàn về điều này với người Đức."[78] Theo quan điểm này, những vụ trục xuất từ Italia đã bắt đầu ngay sau khi nước này bị Đức xâm lược. Trên thực tế, sự trỗi dậy của Benito Mussolinichủ nghĩa Phát xít Italia đã ngăn cản hầu hết sự nhập cư của người Do Thái trong giai đoạn giữa hai cuộc chiến, và Italia đã thông qua những điều luật mạnh mẽ chống Do Thái năm 1938, tước quốc tịch của người Do Thái. Rút cục, một tỷ lệ tương tự người Do Thái tại Italia cũng bị trục xuất như tại Pháp.

Công trình gần đây của nhà sử học Susan Zuccotti phát hiện rằng chính phủ Vichy đã tạo điều kiện cho việc trục xuất người Do Thái nước ngoài hơn là người Do Thái Pháp, ít nhất tới năm 1943 mới không còn sự phân biệt:

Các quan chức chế độ Vichy [đã] hy vọng trục xuất người Do Thái nước ngoài trên toàn nước Pháp để làm giảm nhẹ áp lực với người Do Thái Pháp. Chính Pierre Laval đã thể hiện quan điểm chính thức của chính quyền Vichy... Vào những tháng đầu năm 1943, nỗi khiếp sợ [Adam] Munz và [Alfred] Feldman miêu tả ở nước Pháp bị Đức chiếm đóng đã được những người Do Thái nước ngoài trải qua. Rất khó để biết chính xác có bao nhiêu người Do Thái Pháp đã bị bắt giữ, thường là riêng biệt hay cái gọi là tấn công, nhưng vào ngày 21 tháng 1 năm 1943, Helmut Knochen đã thông báo cho Eichmann tại Berlin rằng có 2,159 công dân Pháp trong số 3,811 tù nhân tại Drancy. Nhiều người đã ở tại Drancy trong nhiều tháng. Họ đã không bị trục xuất bởi vì, cho tới tháng 1 năm 1943, không có đủ người nước ngoài và con họ đủ để chất đầy những đoàn tàu bốn mươi ba toa chở khoảng 41,591 về phía đông... Tuy nhiên, tới tháng 1 năm 1943, người Do Thái nước ngoài dần nhận biết được về mối nguy hiểm và trở nên khó bị bắt. Phát xít gây áp lực đòi bắt giữ những người Do Thái Pháp và trục xuất những người đang ở trại Drancy. Vì thế, khi Knochen thông báo rằng có 2,159 công dân Pháp trong số 3,811 tù nhân tại Drancy ngày 21 tháng 1 năm 1943, ông cũng yêu cầu Eichmann cho phép trục xuất họ. Không có chuyền tàu nào xuất phát từ Drancy vào tháng 12 và tháng 1, và [Trung úy SS Heinz] Röthke đã gây áp lực cho Knochen đòi tiếp tục thực hiện. Röthke cũng muốn dọn sạch trại Drancy để lại tiếp tục bắt người. Dù có sự bất đồng trong quá khứ của các quan chức Vichy và cả sự lưỡng lự của Eichmann trước một hành động như vậy, sự cho phép trục xuất người Do Thái Pháp tại Drancy, trừ những người thuộc các gia đình hôn nhân dị chủng, được Berlin thông qua ngày 25 tháng 1.[79]

Dù ý định ban đầu hay về sau của chính phủ Vichy như thế nào chăng nữa, con số này là chưa tới 15% người Do Thái Pháp, so với con số gấp đôi với người Do Thái nước ngoài sống tại Pháp. Có nhiều người Do Thái sống tại Pháp vào cuối chế độ Vichy hơn vào xấp xỉ mười năm trước đó.[80]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Chính_phủ_Vichy http://www.international.gc.ca/history-histoire/wo... http://www.amazon.com/Choices-Vichy-France-French-... http://www.amazon.com/France-Years-1940-1944-Julia... http://www.amazon.com/Marianne-Chains-France-Durin... http://www.amazon.com/Vichy-France-Guard-Order-194... http://axis101.bizland.com/FlemishFeldpost.htm http://deuxiemeguerremondia.forumactif.com/t8009-l... http://www.german-foreign-policy.com/en/fulltext/5... http://books.google.com/?id=nCE_2I4vyZkC&printsec=... http://books.google.com/books?id=Q7ORlIpHKLEC&pg=P...